1 - Lau dầu là gì?
Lau dầu đồng hồ là quy trình bảo dưỡng, bôi dầu cho các linh kiện, bộ phận bên trong đồng hồ để giúp cho bộ máy có thể hoạt động trơn chu và nhịp nhàng nhất có thể.
2 - Tại sao phải lau dầu cho đồng hồ cơ?
Đa phần các linh kiện bên trong của bộ máy đồng hồ đều được làm từ kim loại, sau một khoảng thời gian sử dụng do ma sát với nhau nên chúng gặp phải tình trạng bị khô dầu. Tình trạng này gây ra hiện tượng các linh kiện không thể hoạt động bình thường, chậm giờ, chết máy. Nếu kéo dài thì đồng hồ có thể bị hỏng bộ máy bên trong.
Việc lau dầu đồng hồ cơ đơn giản chỉ như là một hoạt động hỗ trợ cho các linh kiện bên trong bộ máy. Sau khi làm sạch và bôi thêm dầu cho bộ máy đồng hồ thì đồng hồ sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
3 – Khi nào cần lau dầu
Theo khuyến cáo của hãng và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đồng hồ thì thời gian khuyến nghị để lau dầu đồng hồ là:
■ Với đồng hồ máy cơ của Nhật Bản, hầu hết hãng khuyến cáo thời gian cần bảo dưỡng là trong khoảng 2 – 3 năm / 1 lần.
■ Với đồng hồ máy cơ của Thụy Sỹ:
+ Giá rẻ, tầm trung (dưới 3000 USD): 3 – 4 năm/1 lần
+ Cao cấp, sang trọng (trên 3000 USD): 4 – 5 năm/1 lần
+ Đồng hồ công cụ, đồng hồ có cơ chế đặc biệt tối ưu cho bôi trơn: Rolex thường từ 6 – 12 năm, Omega từ 6 – 8 năm cho máy Co-axial, 8 – 10 năm cho máy Master Coaxial …
Mặc dù các hãng có khuyến cáo đồng hồ cơ bao lâu lau dầu một lần nhưng trên thực tế, các thợ đồng hồ giàu kinh nghiệm sẽ khuyên bạn đừng lau dầu đồng hồ nếu nó vẫn chạy tốt.
Chỉ nên cân nhắc lau dầu khi nào đồng hồ cơ có các dấu hiệu sau:
- Đồng hồ hay đứng máy (lúc chạy lúc đứng)
- Đồng hồ đã lên dây cót bằng tay (vặn núm) nhưng vẫn không chạy đủ 24 giờ, càng ngày càng chạy được ít thời gian hơn
- Đồng hồ chạy nhanh hoặc chậm bất thường
- Đồng hồ bị bể kính, hở đáy, vào nước, có hiện tượng gỉ sét, bám bụi thấy được
- Các chức năng của đồng hồ hoạt động không ổn định
4 – Tại sao không nên lạm dụng lau dầu cho đồng hồ cơ
- Mỗi khi mở nắp đáy đồng hồ, ron (gioăng) cao su chống nước ít nhiều đều sẽ bị ảnh hưởng, làm giảm dần khả năng chịu nước của đồng hồ.
- Nếu gặp thợ không giàu kinh nghiệm, lau ẩu, điều kiện-trang thiết bị kém sẽ làm hư hại, làm giảm độ chính xác, làm bẩn dẫn đến dễ gỉ sét máy hơn.
- Bởi thế, trừ phi đồng hồ của bạn có những hiện tượng được liệt kê trong phần “Khi Nào Cần Lau Dầu Đồng Hồ” thì dù đến hạn lau dầu đã nói trên (hoặc thời gian hãng khuyến nghị) cũng chẳng cần làm gì cả.
5 – Quy trình lau dầu đồng hồ cơ tại Đồng Hồ Số Một
Bước 1: Tháo rời mắt dây, các bộ phận vỏ kính, vành, ống vòng, zoăng, núm,…
Bước 2: Vệ sinh các bộ phận vỏ và dây đeo sau khi tháo rời ra.
Bước 3: Lau khô vỏ và dây đeo
Bước 4: Tháo mặt số: Các kim và mặt số được tháo cẩn thận khỏi cơ cấu máy và được giữ cẩn thận tránh vết xước
Bước 5: Tháo rời các chi tiết máy, để riêng biệt trong các khay chuyên dụng.
Bước 6: Các chi tiết như bánh răng, dây tóc, bộ cót được kiểm tra nếu có lỗi hoặc hư hỏng gì sẽ được sửa chữa hoặc thay thế linh kiện mới.
Bước 7: Làm sạch các chi tiết máy bằng dung dịch xăng thơm rồi để khô tự nhiên.
Bước 8: Lắp ráp từng chi tiết máy và tra dầu theo quy chuẩn Thụy Sỹ.
Bước 9: Làm sạch bụi trên kim và mặt số trước khi lắp vào. Sau đó đặt theo đúng tiêu chuẩn của các hãng đưa ra: bảo đảm độ cân bằng các kim, khoảng cách đều nhau nhau không chạm mặt kính hoặc mặt số.
Bước 10: Vỏ được làm sạch sau đó ráp vào máy.
Bước 11: Hiệu chỉnh cân bằng sai số.
Bước 12: Đóng nắp đáy bằng vam chuyên dụng tránh xước xát và đảm bảo độ kín khít.
Bước 13: Kiểm tra độ kín nước bằng máy nén khí chuyên dụng.
Bước 14: Phải kiểm khả năng trữ cót đối với đồng hồ Automatic bằng máy Cylotest và đeo thử trực tiếp trên tay (36h - 72h sau khi cót đầy).
Bước 15: Kiểm tra tổng thể cuối cùng trước khi bàn giao.
Toàn bộ quá trình lau dầu tổng thể cho đồng hồ Automatic sẽ mất từ 7 - 10 ngày đối với từng mẫu đồng hồ.