BREITLING – HÀNH TRÌNH CỦA NHỮNG CHUYẾN BAY VÔ TẬN (PHẦN 2)

1/ Các dòng sản phẩm chính

a) Navitimer

Navitimer

Montbrillant

b) Windriver

Chronomat

c) Aeromarine

Avenger

Colt

Super ocean

d) Professional

Emergency

Skyracer chronograph

e) Breitling for bentley

2/ Về movement bên trong

Trước khi xảy ra sự khủng hoảng và sụp đổ, hầu hết máy của Breitling đều dựa trên công thức tự phát triển hoặc hợp tác phát triển với các hãng khác. Do breitling là một hãng nổi tiếng hàng đầu về chronograph nên hãng rất tập trung vào phát triển cho bộ máy loại này cũng như liên tục cải tiến nó. Có thể nói ngoài phát minh về kiểu dáng công nghiệp 2 nút bấm riêng biệt cho hệ thống chronograph, thì cỗ máy nổi tiếng nhất được biết đến trước đây dành cho đồng hồ đeo tay chính là chronomatic – thành quả của việc nghiên cứu giữa liên minh với các hãng khác – đó là một trong những cỗ máy chronograph tự động đầu tiên được phát triển thành công và lắp ráp cho đồng hồ đeo tay cao cấp, theo thiết kế dạng mô đun. Mỗi hãng trong liên minh khi đưa vào sẽ có cái tên khác nhau, và riêng với breitling gọi là calibre 11(tag gọi là huer cal.11, buren gọi là buren 11, ..) . Có tất cả 4 phiên bản được liên minh này tạo ra và áp dụng rộng rãi, lần lượt là calibre 11,12, 14 và 15 (13 ko có vì nó xui xẻo)

Sau khi được mua lại và phục hồi, như các bạn đã biết trong phần 1 thì breitling đã bán sạch toàn bộ nhà xưởng, máy móc, kĩ thuật chế tác cho 2 công ti đồng hồ khác, còn tên thương hiệu và nhãn hiệu Navitimer được chuyển giao cho công ti đồng hồ sicura mà sau này tất cả đều sát nhập vào Breitling – tức Breitling ngày nay. Hầu hết các movement đồng hồ đều được breitling mua từ công ti con của tập đoàn đồng hồ lớn nhất thế giới là swatch – ETA với các mẫu máy cao cấp eta và valjoux, tất nhiên là họ chưa bao giờ mua lại và lắp lên đồng hồ của họ một cách đơn giản, họ thường mua movement dưới dạng bộ khung, sau đó bắt đầu chỉnh sửa thêm thắt cho phù hợp với sự sự cao cấp vốn có cùng với dấu ấn đặc trưng. Sử dụng ổ đỡ tốt hơn, cầu được trang trí, dây tóc nivarox 1 (loại cao cấp nhất, thấp nhất là 5), cơ chế blance glycodur, ốc vít được thay thế bằng ốc xanh, dây cót của Nivarox hoặc Anacharon Assumedly, trang trí với kĩ thuật đánh vân cotes de geneve. Các cỗ máy này đươc căn chỉnh và bổ sung lại ngay bên trong trung tâm nghiên cứu phát triển kiêm bảo tàng của Breitling có tên là Breitling Chronometrie (đã đề cập tại phần 1). Và điểm đặc biệt hơn nữa, kể từ năm 2000 (theo tài liệu của Breitling thì có quyết định từ 1999) mọi đồng hồ Breitling bán ra, kể cả quartz đều được đóng mác chronometer – và cũng là hãng duy nhất trên thế giới làm được điều đó đến thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên đó không phải là toàn bộ câu chuyện, bắt đầu từ sự khan hiếm ngày càng cao của các bộ khung Chronogrpah cao cấp, cùng với một tham vọng vô bờ về cái gọi là tự lực cánh sinh hoàn toàn, cùng với nỗ lực mở rộng sản xuất với quy mô lớn hơn, không phụ thuộc người khác, như những gì ở thời đại đầu tiên đã từng làm được, Breitling tiếp tục dấn thân vào con đường tạo ra một cỗ máy in house hoàn toàn, để có thể xứng tầm với đẳng cấp của mình.

Quyết định sản xuất cỗ máy in house được ban lãnh đạo đồng ý vào năm 2004, họ tham vọng tạo ra một cỗ máy có hiệu suất cực cao, ổn định, tin cậy và có thể chế tạo hàng loạt. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt mang tính lịch sử, nó đòi hỏi rất nhiều về chuyên môn, tiền bạc và thời gian, và chắc chắn nó phải là một cỗ máy chronograph mới theo đúng phong cách của Breitling. Sau khi huy động một đội ngũ chuyên gia từ các bộ phận khác nhau trong công ti, Breitling đã cơ cấu họ thành một đội ngũ R&D (nghiên cứu phát triển) tuyệt mật, đặt với cái tên là PFI (professional flight instruments) và để giữ bí mật một cách tuyệt đối hơn nữa, họ lại chia nhỏ đội ngũ này ra làm 3 phần, mỗi phần đảm nhiệm một công việc khác nhau để đảm bảo không có bí mật nào được tiết lộ. Các nhà cung cấp được gọi vào, đọc hướng dẫn và bắt đầu đưa các trang thiết bị cần thiết cho việc chế tạo vào cuối 2005 đầu 2006.

Để kiểm tra khả năng sản xuất hàng loạt cũng như chất lượng cỗ máy mới, Breitling không dùng cách sản xuất thí điểm, mà họ sử dụng phương pháp nội bộ, họ gom tất cả các chuyên gia đã tham gia công việc từ đầu đến cuối và đưa họ vào một cơ sở riêng, được xây dựng riêng có tên là breitling chronometri 2, ở trong đó được thiết lập một hệ thống kiểm tra và sản xuất đại trà kiểu mẫu, mỗi movement đều sẽ đạt tiêu chuẩn COSC, cho sản xuất thử và kiểm tra cực kì kĩ lưỡng.

Cuối cùng, mọi sự cố gắng đã có thành quả, năm 2009, Breitling đã bất ngờ tiết lộ cỗ máy tâm huyết của mình làm nức lòng fan hâm mộ, thương hiệu breitling cho đến cuối cùng đã có được một cỗ máy độc quyền, họ đặt tên cho nó là breitling B01. Và thực tế đã chứng đó là một cỗ máy tốt, được chào đón rộng rãi với hơn 40.000 movement đã được sản xuất ngay trong năm 2011. Movement này có rất nhiều ưu điểm về kĩ thuật, tôi không thể lược hết ra đây, nhưng nổi bật nhất nó là một cỗ máy chronogrpah, có chứng nhận chronometer, trữ cót lên tới 70 giờ – cao bất thường với chỉ 1 hộp chứa cót, được hoàn thiện và đánh bóng hoàn hảo, 47 chân kính, thiết kế lại theo dạng mô đun cực kì dễ sửa chữa bảo dưỡng.

Sau khi ra mắt và đạt thành công vang dội, Breitling tiếp tục tiến lên với các cỗ máy in house khác có tên là B04 và B05 với các cải tiến nổi bật, và cho tới đây cũng đã sát với thời điểm hiện tại bài viết này đang viết, hi vọng trong tương lai, Breitling sẽ hoàn toàn thay thế được các cỗ máy đi mua ngoài bằng sản phẩm do chính tay mình làm ra.

3/ Tổng quan về kĩ năng chế tác

Phong cách thiết kế và thân vỏ

Breitling là một hãng đồng hồ danh giá và đặc biệt, đơn giản bởi vì hãng là một trong số ít các các thương hiệu có khả năng phát triển cả về phương diện hình thức bên ngoài, lẫn chất lượng cỗ máy bên trong. Thiết kế của Breitling đa phần nhắm vào đối tượng phi công, mặt số có niềng xoay với nhiều tính năng đặc biệt, do sản xuất dành cho quân đội, nên tình cờ nó lại là những sản phẩm có khí chất mạnh mẽ, vô cùng phù hợp với cánh đàn ông – đơn cử như những chiếc Navitimer hay Chronomat. Ngày nay, dù không phải phi công, thì nhiều người vẫn mua Breitling về để đeo, họ chẳng quan tâm đến những chức năng phức tạp có trên mặt đồng hồ, đơn giản trong suy nghĩ thì họ đang sở hữu chúng, chỉ thế thôi là quá đủ. Thiết kế Navitimer cũng được liệt vào hàng ngũ thiết kế kinh điển cho đồng hồ phi công (pilot) nói riêng và đồng hồ nói chung, cùng với Panerai, Rolex, Omega thì Breitling là hãng bị làm giả nhiều nhất trên thế giới.

Kĩ thuật thiết kế thân vỏ của bỉeitling cũng luôn là thứ làm hài lòng người tiêu dùng trong tầm giá. Breitling nói rằng, cũng như những phi công làm việc trong chiếc máy bay, thì thân vỏ của họ cũng phải có được sự vững chắc để có thể bảo vệ cỗ máy bên trong khỏi tổn thương trước những chấn động. Đây là thứ mà Breitling đặc biệt quan tâm và đã thử nghiệm nhiều hơn rất nhiều so với các hãng hãng đồng hồ khác. Họ có cả một dây chuyền kết hợp cả cơ khí tự động lẫn bàn tay con người để làm điều này, nó đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn tập trung cao độ. Thân khung cơ sở được dập ra từ những khối thép 316L dài theo kiểu sản xuất hàng loạt, bởi một máy ép thuỷ lực 40 tấn theo các khuôn sẵn. Sau khi định hình ban đầu, vỏ sẽ trải qua tiếp 15 máy dập khác nhau để hoàn thiện hình dáng, cắt bỏ phần thừa. Sau đó lại nung ở nhiệt độ 2000 độ F để gia cố các phần tử thép. Sau đó, tiếp tục đưa vào một máy cắt CNC cao cấp để cắt gọt tạo hình những vị trí khác như lỗ dành cho núm, các vị trí lồi lõm.

Để tạo ra sự khít khao giữa các vị trí vặn mở, vị trí lắp ráp giữa các bộ phận đều được phun loại chất kết dính, cho vào ủ nóng khiến chúng tan đều lên bề mặt, và khi đó các thành phần lắp ráp vào sẽ khít chặt đến mức không tưởng, giúp tránh được cả áp suất bên ngoài tác động vào khi bay cũng như áp suất nước. Công việc quan trọng nữa đem lại sự sang trọng cho breitling, đó là đánh bóng. Breitling chỉ tuyển những chuyên gia đánh bóng với kinh nghiệm cao đánh bóng cho sản phẩm của mình.

Kĩ thuật làm mặt số và kính saphire

Mặt số của đồng hồ breitling hiện nay được thực hiện tại nhà máy đặt ở la chaux de fonds, mất tới 13 tuần, 60 công đoạn để thực hiện mới cho ra được một mặt số hoàn hảo.

Đầu tiên là công đoạn gia công thô, họ lấy một cuộn đồng thau đã cuộn lại thành cuộn tròn rất lớn như hình cái nhẫn với trọng lượng 132 pound, cho vào máy rồi cuộn ra dập hàng loạt. Cảnh tượng giống y như bỏ cuộn phim vào máy chiếu phim. Cỗ máy đươc sử dụng có tới 600 chân kim loại, nó sẽ cắt lỗ, dập và tự động chuyển mặt số dạng thô ra ngoài, cơ chế này được thực hiện hoàn toàn tự động.

Tiếp đến là quá trình sơn tĩnh điện, sơn xong đưa vào những cái máy gọi là “phòng tắm hoá học”, bôi chất làm sạch bề mặt lên để loại bỏ dư thừa từ quá trình sơn tĩnh điện, tiếp tục họ treo những chiếc mặt số vào một cái móc xoay tròn, nhúng vào các thùng hoá học để tạo màu cần thiết, trong suốt quá trình này cái móc liên tục xoay tròn để màu tạo ra được đồng đều.

Tiếp theo đó, các mặt số được lấy ra một cái khay đựng 9 cái một, đưa vào phòng kín, một nhân viên sẽ dùng môt khẩu súng để phun lớp phủ UV (tia cực tím) để tạo thành lớp bảo vệ bên ngoài bao bọc lấy lớp sơn tĩnh điện. Sau khi phun xong, họ chuyển qua công đoạn in mặt số. Breitling sử dụng loại mực in phủ chất silicon để làm điều này, công đoạn này đòi hỏi thời gian khoảng 1 tiếng. Sau khi các thông số kĩ thuật đã in xong, thì mặt số sẽ được gắn các cọc số và lô gô bằng vàng đúc vào bởi phương pháp thủ công, thực hiện bởi các thợ lành nghề.

Kính saphire của Breitling rất nổi tiếng vì độ trong trẻo của mình. Chúng được sản xuất công phu, tinh khiết và tráng phản quan 2 mặt để tăng cường chống chói cao nhất. Được thực hiện bởi các máy móc công nghệ tiên tiến nhất. Sau khi thu được thành phẩm từ các phương trình hoá học, các khối sẽ được cắt bằng lưỡi kim cương mỏng, mài mòn với độ chính xác đến từng milimet, vát góc và đánh bóng bằng hoá học trên cả 2 mặt kính. Sau đó, họ cho kính vào một phòng thí nghiệm vô trùng, đặt trong một cái lò, sử dụng phương pháp bốc hơi chân không công phu để áp lớp chống phản quang lên cả 2 mặt, đó chính là lí do vì sao mặt kính breitling được cho là đẹp nhất nhì trong giới đồng hồ, cũng dễ hiểu bởi đây là những chiếc đồng hồ phục vụ trong chiến đấu ngoài trời liên tục, việc chống phản chiếu là điều bắt buộc, và rõ ràng họ đang có quy trình sản xuất kính chống phản quang tiên tiến nhất thế giới.

Kim đồng hồ

Những chiếc kim Breitling sản xuất từ một cơ sở của hãng tại Biel, Thuỵ Sĩ. Kim được làm từ chất liệu đồng thau với máy dập tự động, sau đó sẽ được nhúng vào một hợp chất bôi trơn và đánh bóng bằng kim cương, lắp ráp các chi tiết nhỏ và phết chất dạ quang.

Chế tác dây đeo kim loại

Việc ngồi trên máy bay chiến đấu với tốc độ cao, liên tục tăng giảm tốc, lộn vòng tạo thành nhiều lực tác động lên dây đeo, để tồn tại được, các mắt liên kết phải được củng cố để trở nên thật đáng tin cậy, lại vừa phải đảm bảo về mặt thẩm mĩ. hệ thống dây khoá được tạo ra từ các kĩ thuật viên chuyên nghiệp ở vùng le locle. Các thanh kim loại (kể cả vàng, thép hay bach kim) có độ dài khoảng 4m được cho vào máy cắt CNC, cắt và tạo ra các mắt dây, tiếp theo đó được đánh bóng bởi các nghệ nhận bậc thầy có từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, tạo ra sự hoàn hảo cho từng chi tiết nhỏ nhất với sự bắt sáng tuyệt vời. Cuối cùng, những liên kết này được chuyển tới bàn làm việc của những người được gọi là chuyên gia lắp ráp. Họ ráp bộ dây bằng tay với kĩ thuật điêu luyện nhất.

Kiểm tra thân vỏ

Việc kiểm tra thân vỏ và dây đeo (chưa có movement và kính) được tiến hành ở trụ sở chính đặt tại grenchen, thuỵ sĩ. Dây và vỏ được ráp vào vào đem tới kiểm tra độ chắc chắn, va đập bởi các chuyên viên bậc thầy để có thể đảm bảo mọi thứ đều hoàn hảo.

Lắp ráp movement vào vỏ

Công việc này được tiến hành tại la chaux de fonds, mọi nhân viên đều phải bọc giày, thay áo khoác trắng để tránh bụi bẩn, mọi loại quần áo kết cấu vải bông đều bị cấm, quy trình làm việc gần như không bụi 100 %. Việc lắp ráp và kiểm tra cuối cùng được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu breitling về đồng hồ, và cho đến khi xuất xưởng, một chiếc breitling phải trải qua đến 1000 bài kiểm tra về chất lượng.

4/ Ý nghĩa lô gô hình cánh chim của Breitling

Có một điều mà nhiều anh hay thắc mắc, đó là về lô gô hình cánh chim của breitling, nhân tiện bài viết này sẽ được giải đáp luôn. Breitling từng có 2 lô gô hình cánh chim như vậy.

Lô gô đầu tiên các bạn có thể thấy trên những chiếc vintage Breitling Navitimer cũ trước đây, nó có hình đôi cánh chim cụp xuống, ở giữa là cái khiên có ghi chữ liti. Mình xin trả lời là, lô gô đó chính là lô gô của hiệp hội phi công và những người sở hữu máy bay: Aircraft owners and pilots association – viết tắt là AOPA. Đây là một hiệp hội cực kì nổi tiếng, thành lập tại hoa kì năm 1939 dưới danh nghĩa tổ chức phi lợi nhuận và tồn tại cho đến ngày nay. Lí do bởi vì có một thời kì, Breitling đã được tổ chức danh giá này chọn là đồng hồ chính thức cho phi công của hiệp hội, dòng chữ li ti bắt chéo trong hình cái khiên là chữ “AOPA”, khác một chút với lô gô gốc có ghi “1939” là năm khai sinh.

Lô gô thứ 2, chính là lô gô mà các bạn đang thấy ngày nay có hình đôi cánh, cùng chữ B có hình mỏ neo, mình xin trả lời như sau : lô gô này lấy ảnh hưởng trực tiếp từ lô gô của lực lượng không quân hoàng gia anh quốc RAF như đã đề cập ở phần lịch sử, biểu tượng đôi cánh đại bàng . Thời thế chiến 2 Breitling đã là nhà cung cấp chính thức đồng hồ cho lực lượng này, còn chữ B hình mỏ neo, là chữ cái đầu của Breitling, cũng là biểu tượng  đặc trưng của dòng Navitimer – mỏ neo là biểu tượng cho đồng hồ được sử dụng để điều hướng máy bay cho lực lượng KHÔNG QUÂN HẢI QUÂN – đã liên quan đến hải quân thì phải có mỏ neo . Tất cả gộp lại chính là biểu tượng breitling ngày nay. Chúng đều dính dáng đến không quân trong quân đội.

*bài viết được thực hiện bởi LÊ HOÀNG THẠCH*